Thứ Tư, 21 tháng 4, 2010

NHAN HỒI Yểu Tử

Sở dĩ hôm nay nói về thầy Nhan Hồi vì người viết vô tình đọc được một tài liệu của đạo Cao Đài. Có câu nguyên văn như sau:
Nhan Hồi kém hơn Đức Khổng Tử 30 tuổi, thiên tư thông minh, nhanh nhẹn, hiếu học, chuộng Lễ, làm việc gì cũng không lầm lỗi đến hai lần, nói điều gì cũng không cẩu thả, khi giận người nầy không giận lây người kia, đứng đầu khoa đức hạnh trong cửa Khổng.

Người viết hoang mang vì số tuổi chênh lệch của 2 bên khá lớn. Đã là thầy tuổi tác chênh lệch khá lớn là chuyện bình thường, khác thường là ít chênh lệch, và trong chuyên môn trò hơn tuổi thầy cũng bình thường. Nhưng liệu Khổng Tử có lớn hơn Nhan Hồi 30 tuổi không? Theo TỬ VI Đức Khổng Tử sinh năm Canh Tuất và thầy Nhan Hồi sinh năm Tân Dậu, hai người hơn nhau 11 tuổi. Vậy liệu lá số của Nhan Hồi có đúng không? Khi nhiều câu phú TỬ VI cứ mượn thầy để mô tả trường hợp yểu chiết. Như câu:
“KỴ HÌNH THẤT SÁT tương phùng.
Thiếu niên yểu chiết như dòng Nhan Uyên”
Câu này mượn hình bóng của Thầy Nhan Hồi để mô tả. Cũng cần biết thầy Nhan Hồi mất vào năm 32 tuổi Nhâm Thìn đại hạn tại Thê, tiểu hạn tại MỆNH, chứ không phải là tuổi thiếu niên. Và khi ấy Đức Khổng Tử cũng mới 43 tuổi. Đức Khổng Tử thương mến thầy Nhan Hồi ngoài những đặc điểm thiên tư thông minh... còn có niềm thương đại đồ đệ đã đến với mình rất là sớm, lìa đời rất là sớm, từ đó trong lòng luôn luôn thương tiếc, chứ không phải một Nhan Hồi bé bỏng ngây thơ. Suốt 30 năm còn lại của cuộc đời của Đức Khổng Tử hình bóng, tên tuổi của Nhan Hồi luôn luôn được nhắc đến để so sánh. Và ta đừng quên rằng, Đức Không Tử dẫn cái đám Tang Môn của ông ra đi rất sớm khi vào tuổi 35 tuổi và nếu Nhan Hồi kém Đức Khổng Tử đến 30 tuổi hóa ra Ngài kiêm thêm nghề  “nhũ mẫu”. Và chắc chắn rằng không có câu chuyện nổi tiếng sau đây.
Trích dẫn.

Nồi Cơm Nhan Hồi
Một lần Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ Lỗ sang Tề. Trong đám học trò đi với Khổng Tử có Nhan Hồi và Tử Lộ là hai học trò yêu của Khổng Tử. Trong thời Đông Chu, chiến tranh liên miên, các nước chư hầu loạn lạc, dân chúng phiêu bạt điêu linh, lầm than đói khổ … Thầy trò Khổng Tử cũng lâm vào cảnh rau cháo cầm hơi và cũng có nhiều ngày phải nhịn đói, nhịn khát. Tuy vậy, không một ai kêu than, thoái chí; tất cả đều quyết tâm theo thầy đến cùng. May mắn thay, ngày đầu tiên đến đất Tề, có một nhà hào phú từ lâu đã nghe danh Khổng Tử, nên đem biếu thầy trò một ít gạo … Khổng Tử liền phân công Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi thì đảm nhận việc thổi cơm. Tại sao Khổng Tử lại giao cho Nhan Hồi - một đệ tử đạo cao đức trọng mà Khổng Tử đã đặt nhiều kỳ vọng nhất - phần việc nấu cơm? Bởi lẽ, trong hoàn cảnh đói kém, phân công cho Nhan Hồi việc bếp núc là hợp lý nhất.
Sau khi Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, Nhan Hồi thổi cơm ở nhà bếp, Khổng Tử nằm đọc sách ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ. Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống … thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay và nắm lại từng nắm nhỏ … Xong, Nhan Hồi đậy vung lại, liếc mắt nhìn chung quanh … rồi từ từ đưa cơm lên miệng …
Hành động của Nhan Hồi không lọt qua đôi mắt của vị thầy tôn kính. Khổng Tử thở dài … ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Học trò nhất của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn, đốn mạt như thế này ư? Chao ôi! Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là tan thành mây khói!”
Sau đó, Tử Lộ cùng các môn sinh khác mang rau về … Nhan Hồi lại luộc rau … Khổng Tử vẫn nằm im đau khổ … Một lát sau rau chín. Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm lên nhà trên; tất cả các môn sinh chắp tay mời Khổng Tử xơi cơm. Khổng Tử ngồi dậy và nói rằng:
“Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc, dãi nắng dầm mưa, đói khổ như thế này mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, các con vẫn yêu thương đùm bọc nhau, các con vẫn một dạ theo thầy, trải qua bao nhiêu chặng đường đói cơm, khát nước …
Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, may mắn làm sao thầy trò ta lại có được bữa cơm. Bữa com đầu tiên trên đất Tề làm thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương nước Lỗ. Thầy nhớ đến cha mẹ thầy… cho nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ thầy, các con bảo có nên chăng?
Trừ Nhan Hồi đứng im, còn các môn sinh đều chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nên ạ!”
Khổng Tử lại nói: “Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?”
Tất cả học trò không rõ ý Khổng Tử muốn nói gì nên ngơ ngác nhìn nhau. Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch.”
Khổng Tử hỏi: “Tại sao?”
Nhan Hồi thưa: “Khi cơm chín con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi … nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì vô hình trung làm mất một phần ăn, anh em hẳn phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã mạn phép thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và tất cả anh em …
Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi … bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Và … thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!
Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Chao ôi! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!”

MỘT DỊ BẢN KHÁC.
Khổng Tử bị vây khốn ở giữa nước Trần và nước Thái, rơi vào tình cảnh khốn cùng. Các học trò cùng theo ông chu du liệt quốc đã 7 ngày không có gì vào bụng. Tử Cống nhân lúc người gác sơ hở, liền trốn ra ngoài, lấy số tiền mang theo, khẩn cầu người nông dân, mua được một ít gạo. Nhan Hồi và Trọng Do đốt lửa nấu cơm ở trong một căn phòng xây bằng đất.
Có một hòn đất nhỏ rơi vào nồi cơm, Nhan Hồi liền lấy chỗ cơm bẩn ra ăn. Tử Cống ở ngoài giếng nhìn thấy, cho rằng Nhan Hồi đang ăn vụng, nên rất không hài lòng, bèn đi vào nhà, hỏi Khổng Tử rằng:
"Thưa thầy, một người vừa nhân đức, vừa trong sạch, trong hoàn cảnh khốn cùng thì có phải cũng cần hành sự theo lễ, có thể vì tư lợi của mình mà thay đổi tiết tháo không?"
Khổng Tử đáp rằng:
"Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng phải theo lễ mà hành sự, nếu như tùy ý thay đổi tiết tháo, thì không xứng đáng được gọi là bậc quân tử nhân đức nữa."
Tử Cống tiếp lời: "Người như Nhan Hồi có lẽ không bao giờ thay đổi tiết tháo đâu, thầy nhỉ?"
Khổng Tử đáp: "Đúng thế."
Tử Cống liền đem câu chuyện Nhan Hồi đang nấu cơm thì ăn vụng ra kể với Khổng Tử. Khổng Tử nói rằng: "Lâu nay, ta vẫn tin rằng Nhan Hồi là người trọng nhân đức, trọng lễ nghĩa, cho dù có chuyện như con nói, ta cũng khó vì đó mà nghi ngờ anh ta, chuyện này chắc có duyên cớ gì đây. Con hãy khoan nói gì, để ta hỏi anh ta xem."
Gọi Nhan Hồi lại, Khổng Tử nói rằng: "Mấy hôm trước, ta nằm mơ thấy các bậc tổ tiên đã khuất, có lẽ tổ tiên có điều gì muốn nhắc nhở hay phù hộ ta chăng? Con nấu cơm xong thì bưng lên đây, ta muốn dùng làm lễ cúng tổ tiên."
Nhan Hồi liền đáp: "Thưa thầy, khi nãy có một cục đất rơi vào nồi cơm, nếu không lấy ra thì e cơm sẽ bẩn mất, con định lấy chỗ cơm bẩn vứt đi, nhưng lại thấy tiếc; thế là con hớt chỗ cơm bẩn ở trên ăn mất rồi. Bây giờ cơm không thể dùng để cúng được nữa."
Khổng Tử đáp: "Nếu phải là ta thì ta cũng ăn chỗ cơm đó rồi."
Sau khi Nhan Hồi lui ra, Khổng Tử nói với các học trò rằng: "Không phải đến hôm nay ta mới tin là Nhan Hồi rất giữ lễ."
Các học trò từ đó càng tin phục Nhan Hồi hơn.

PHẦN NGHIÊN CỨU TỬ VI:
So sánh giữa 2 bản, phần dị bản có vẻ chân thực hơn. Cái mà TỬ CỐNG thấy như một cái cớ để kết tội Nhan Hồi, và Tử Cống cột Khổng Tử một câu: “Người như Nhan Hồi không bao giờ thay đổi tiết tháo đâu,  thầy nhỉ”. Sau khi Khổng Tử; “Đúng thế”. Bèn đem chuyện ăn vụng cơm ra nói.  Điều này cho thấy TỬ CỐNG bụng dạ ghen tị ứng với với lá số của Nhan Hồi cách CƠ NGUYỆT  ĐỒNG LƯƠNG đi với KHÔNG KIẾP gia thêm KÌNH ĐÀ KIẾP SÁT bị đàn em, đồng môn dưới tay ức hiếp. Câu chuyện này làm cho lá số Nhan Hồi thêm đúng, như có lần đã viết, bộ sao này chủ thức cơm lành canh ngọt là đây. Đi với KHÔNG KIẾP là thế, đi với KỴ KÌNH hay HÌNH càng cay đắng. Rõ ràng là Nhan Hồi bị đàn em hà hiếp. Trong đám môn đồ của Khổng Tử không đoàn kết. Đó là lý do, người ta thay vì để Tử Cống tố cáo, lại dựng nên chuyện để Khổng Tử thấy. Chung quy cũng là câu chuyện ngụ ngôn “những gì thấy tận mắt chưa chắc đã đúng”.

NHAN HỒI YỂU TỬ:
Một số câu phú liên quan đến cách Nhan Hồi yểu tử.
Miêu nhi bất tú Nhan Hồi.
Văn Xương ngộ Kỵ uổng đời tài hoa.”
Câu này các tuổi Tân luôn luôn có, Kỷ tất thị cũng gặp và Nhâm rất dễ gặp. Câu này thuộc loại võ đoán. Ít nhất là thêm một chính tinh nào nữa. Cách XƯƠNG KỴ là nghe những lời phiền toái mà thôi, rắc rối vì những giấy tờ.
“XƯƠNG KHÚC hãm ư THIÊN THƯƠNG Nhan Hồi yểu chiết.”
Câu này cũng thuộc loại võ đoán, lại được diễn nôm.
Ông Nhan chẳng được sống lâu.
 VĂN XƯƠNG mắc hãm ở đầu Thiên Thương
Bất cứ ai sinh tháng 4 luôn luôn có cách này. Đây là cách dễ bị bạn bè đọc văn tế với các từ ô hô, ai tai... có tính yểu cao hơn, nhưng dễ gặp là bạn bè nói xấu mình. Và ra ngoài đường dễ gặp tai nạn không ngờ vì THIÊN KHÔNG luôn luôn đóng tại Thiên Di cung.
Nhan Hồi yểu chiết do hữu KIẾP KHÔNG, HỒNG ĐÀO, ĐÀ LINH thủ Mệnh.”
Không thấy LINH TINH nhưng sao LINH có nhiều cách an khác nhau. Nhưng với bộ KHÔNG KIẾP HỒNG ĐÀO lại gia thêm ĐÀ cũng đủ tai họa do mình gây nên. Những tai họa như đi tắm, đi xe, cuộc vui biến thành tai họa... Cho nên có câu.
ĐÀO HỒNG ngộ KHÔNG KIẾP lâm thủ.
Sá bàn chi những lũ yểu vong
Và cách này của Nhan Hồi lại đi với bộ sao THIÊN ĐỒNG ta đã biết “THIÊN ĐỒNG ngộ KHÔNG KIẾP bất cát”. Cái bất cát đó đạt đến đỉnh cao là chết.
Như vậy Nhan Hồi yểu tử lý do thứ nhất là MỆNH cung có cách kể trên. Một cách tự tạo ra tai họa mà bản thân mình không biết.
Lý do thứ 2 là cung an Thân của Nhan Hồi không tốt. Đã VÔ CHÍNH DIỆU lại có 2 Hung tinh THIÊN KHÔNG ĐÀ LA, hội họp có TUẦN TRIỆT thành bộ tam Không với nhiều sao Hà Hiếp có HÌNH hội họp. Thân thể cần có chứ chứ sao lại không, đó là yếu tố xấu tại Thân.
Ba là cách “Quế Sứ Hoa Thương” của Nhan Hồi có thêm THẤT SÁT
Bốn là đại hạn của Nhan Hồi đi qua cách “ban bố tình trạng khẩn cấp”. Lại gia thêm nhiều sao bất ngờ như THIÊN KHÔNG (không ngờ) LƯU HÀ (hà cớ vì sao), nhất là có THIÊN KHÔI gặp HỎA HÌNH hình thành cách một đám tro tàn.
Năm là tiểu hạn đi qua cung MỆNH. Các bạn có biết câu:
MỆNH Thân KHÔI VIỆT KHÚC XƯƠNG.
Hạn đến Thân MỆNH trăm đường vinh quang
Tức MỆNH Thân tốt hạn đến Thân MỆNH rất là tốt. Và hàm ý rằng, MỆNH Thân xấu hạn đến cung ấy tất thị là rất xấu. Và rõ ràng thầy Nhan Hồi chỉ hưởng chữ thông minh mà thôi, đi với KHÔNG KIẾP là đại bất hạnh. Thầy Nhan Hồi mất năm Nhâm Thìn 32 tuổi,  một tai nạn do mình gây ra đến một cách rất nhanh chóng và bất ngờ. Điều này có thể tìm thấy qua lưu ĐÀO HOA tại Tật (bộ ĐÀO KHÔI VIỆT tại MỆNH hội họp tại Tật), lưu BỆNH PHÙ tại vị trí sao TỬ VI, chứng tỏ làm một điều gì đó rất dại dột bị tai nạn. Đó cũng là năm Lưu TANG MÔN gặp THIÊN CƠ (cơ thể bị chôn vùi, các năm Thìn đều bị) cùng lúc sao TỬ VI chủ sự sống chết bị ngộ Nhị Vong. Sao TỬ VI bị gặp Vong tinh cái dễ gặp nhất là dễ mất địa vị.
Qua lá số này, đánh giá về cách yểu, có nhiều cái liên quan với nhau. Nếu như bạn bị vướng vào một cách nào đó cũng rất bình thường. Đừng lấy đó làm điều hoang mang.
Nhan Hồi học trò thông minh (Đồng Lương) xuất sắc, đại đồ đệ (KHÔI VIỆT) của Khổng Tử mất đi là một tổn thất lớn của Ngài. Về sau thầy Nhan Hồi là một trong 4 người học trò được phối tự (tức là thờ chung) trong các đền thờ Khổng Tử.

Dưới đây là một tư liệu liên quan đến Nhan Hồi.
Nhan Hồi, họ Nhan, tên Hồi, tự là Tử Uyên, nên cũng gọi là Nhan Uyên, là con của ông Nhan Do, người nước Lỗ.
Nhan Hồi theo học với Đức Khổng Tử, và là học trò giỏi nhứt trong số các học trò của Đức Khổng Tử.
Nhan Hồi kém hơn Đức Khổng Tử 30 tuổi, thiên tư thông minh, nhanh nhẹn, hiếu học, chuộng Lễ, làm việc gì cũng không lầm lỗi đến hai lần, nói điều gì cũng không cẩu thả, khi giận người nầy không giận lây người kia, đứng đầu khoa đức hạnh trong cửa Khổng.
Đức Khổng Tử thường khen rằng: Ta có trò Hồi, cho nên các học trò ngày càng thân với Ta.
Nhan Hồi nhà nghèo, ở trong ngõ hẹp, giỏ cơm bầu nước, nếu là người khác thì không chịu được mà lo buồn, Nhan Hồi thì tự nhiên vui vẻ, học đạo. Đức Khổng Tử khen là người hiền và có nhân. Năm Nhan Hồi 29 tuổi thì tóc đã bạc trắng.
Lúc Đức Khổng Tử và các môn đệ bị nước Trần và nước Sái vây khổn ở ngoài đồng, không cho đi qua nước Sở, Khổng Tử hết lương thực. Những người đi theo đều ốm, dậy không nổi, nhưng Đức Khổng Tử vẫn dạy các môn đệ, rồi ngâm thơ, đánh đàn, ca hát, không tỏ ra suy yếu.
Tử Lộ (tên là Trọng Do) thấy thế có vẻ giận, đến hỏi:
- Người quân tử cũng có lúc cùng khốn ư?
Đức Khổng Tử đáp:
- Người quân tử trong lúc cùng khốn thì giữ vững, còn kẻ tiểu nhân trong lúc cùng khốn thì làm bậy.
Đức Khổng Tử nhìn mặt Tử Cống (tên là Đoan Mộc Tứ) thấy có vẻ giận, liền nói:
- Này anh Tứ, anh cho ta học nhiều mà biết phải không?
Tử Cống đáp:
- Dạ, đúng thế, không phải thế sao?
Đức Khổng Tử nói: - Không phải đâu! Ta lấy một điều để quán triệt tất cả. (Nhà triết học khác với người thường ở chỗ đó). Đức Khổng Tử biết các học trò còn có chỗ tức tối, bèn gọi Nhan Hồi đến hỏi:
- Này anh Hồi! Kinh Thi có nói: Chẳng phải con trủy, chẳng phải con hổ, ở ngoài đồng vắng. Đạo của ta phải hay sai? Tại sao ta gặp cảnh nầy?
Nhan Hồi đáp:
- Đạo của Phu Tử hết sức lớn lao, nên cả thiên hạ không ai dung nạp được. Nhưng Phu Tử cứ theo đó mà làm, người ta không dung nạp được thì có hại gì! Người ta không dung nạp, nhưng sau nầy người ta sẽ thấy Phu Tử là người quân tử. Đạo không được trau giồi, đó là cái điều mà ta lấy làm xấu hổ. Đạo đã được trau giồi mà vẫn không được dung nạp thì đó là điều xấu hổ của kẻ làm vua một nước. Người ta không dung nạp được Phu Tử thì có hại gì! Về sau người ta sẽ thấy Phu Tử là người quân tử.
Đức Khổng Tử hớn hở cười nói:
- Đúng lắm! Hỡi con người họ Nhan, nếu nhà ngươi lắm của cải thì ta sẽ làm người quản lý của cải cho nhà ngươi.
Sau đó, Đức Khổng Tử sai Tử Cống sang nước Sở yêu cầu vua Sở Chiêu Vương đem binh đến rước, Đức Khổng Tử mới thoát được cái nạn ấy.
Bạch kỳ Nhan Uyên:
Một ngày kia, Đức Khổng Tử hỏi các môn đệ rằng:
- Thảng như trường hợp nước nọ chẳng hòa với nước kia, đến nỗi phải gây chiến với nhau, thì các môn đệ nghĩ làm sao?
Các môn đệ đều lần lượt trả lời, cũng không ngoài cái ý thường tình là ai vì chúa nấy, cất binh đánh nhau. Duy có Nhan Hồi thì có tư tưởng khác hẳn, đáp rằng:
- Nếu gặp trường hợp ấy, tôi nguyện cầm cây cờ trắng, xông ra giữa vòng binh để giải hòa hai bên, hầu ngăn chận cuộc tương tàn tương sát.
Đức Khổng Tử nghe xong thì rất hài lòng, còn các môn đệ khác thì ngạc nhiên.
Do đó mới có từ ngữ: Bạch kỳ Nhan Uyên, là cây cờ trắng hòa giải của Nhan Hồi.
Đức Khổng Tử thường khen Nhan Hồi:
"Hiền tai Hồi giả! Nhất đan tự, nhứt biều ẩm, tại lậu hang, nhân bất kham kỳ ưu, Hồi giả, bất cải kỳ lạc! Hiền tai Hồi giả!" Nghĩa là: Hiền vậy thay Nhan Hồi! Một giỏ cơm, một bầu nước, ở chỗ ngõ hẹp, giá người khác ở vào cảnh ấy thì lo buồn không chịu được, thế mà Nhan Hồi không bao giờ đổi cái vui của mình. Hiền vậy thay Nhan Hồi!
Nhan Hồi mất lúc còn rất trẻ, mới 31 tuổi.
Đức Khổng Tử than rằng: - Trời hại ta! Trời hại ta!
Mộ của Nhan Hồi ở Khổng Lâm, có những đền miếu mái lợp ngói tráng men, tường sơn đỏ, cửa sơn xanh, xà cột chạm vẽ. Miếu chính thờ tượng của Nhan Hồi, các miếu trong thờ bài vị song thân và phu nhân của Nhan Hồi

  • Huynh Trang
    Bác Bửu Đình ơi, cháu có cách yểu của ông Nhan Hồi rồi. Mệnh cháu có Liêm Trinh, Địa Kiếp; Thân ở Di có Tham Lang, Địa không, Thiên Không, Kiếp Sát, Hồng Loan. Thật thê thảm phải không Bác?
  • Private comment
  • Private comment
  • Hagiang
    Thưa bác, Nhan Hồi là người thông minh xuất chúng nhưng nhìn trên lá số của Nhan Hồi thì những bộ văn tinh như Xương Khúc, Khoa, ...không tập trung nhiều tại mệnh (nổi bật chỉ có Đồng Lương, Khôi Việt, Tam Thai). Ngoài ra còn có câu phú: "Không Kiếp thân mạo gian phi chi hạnh" nhưng ông là người có đạo đức chuẩn mực, là bậc quân tử đại trượng phu.
    Địa Kiếp, Kiếp sát đi với Đào Hồng tại mệnh nên là người tạo ra tai kiếp (Đào Kiếp). Với những sát tinh khá mạnh nhưng nhân phẩm đạo đức thật là tuyệt vời, điều này được lý giải thế nào thưa bác.
    Có phải Đồng Lương (lương thiện, thông minh) + Khôi Việt (quý nhân) tạo nên tính cách của ông, còn Kiếp Sát - Địa Kiếp hay Đào Kiếp thì cướp tai, cướp họa về cho bản thân ông không ạ. Vậy thì tính cách của con người thể hiện trên lá số dựa vào những điểm gì ạ.
    Cháu cảm ơn bác, kính chúc bác vui khỏe.
  • Salangane
    Chào bác buổi sáng, Cháu thấy có cái ô bảo Nhập chuỗi mã, rồi thấy Mã âm thanh nữa, nhập rùi mà hổng biết để mần chi, cháu lại tưởng bác thu âm gì đó, hí hửng bấm bấm, ai dè không phải hi hi.
    • Bửu Đình
      Nhập chuỗi mã để ghi bình luận. Đây là sáng tạo có ích của Yahoo dùng để chống spam tự động, nhưng xem ra rất phiền, những con chữ khó đọc, nếu nhìn khó bạn nhấn chuỗi mã mới. Lần đầu tiên thấy xuất hiện trong blog bác cũng hơi... run. Vì không thấy ký hiệu gì của Yahoo cả, mà virus cũng chỉ là những  mã phức tạp mà thôi. Người đến thăm blog cứ nghĩ chủ nhân chế ra. Còn chủ nhân blog lại nghĩ, "ủa tên nào giỏi thế" nó dán cái gì lên trang của mình cũng được.
  • Salangane
    (Empty)
  • Mish
    • Mish
    • Apr 21, 2010 5:17 AM
    Trời ơi, bài này hay quá Bác Đình ơi!!

Không có nhận xét nào: