Thứ Năm, 21 tháng 11, 2019

Luận Về Ăn Uống.




Ăn là THIÊN CƠ chủ đói, có đói mới ăn, THIÊN ĐỒNG chủ no... Hai sao nầy luôn luôn tam hợp với nhau. Đây là 2 từ chúng ta thường dùng hằng ngày. Nhị hợp với THIÊN CƠ là PHÁ QUÂN, với THIÊN ĐỒNG là THAM LANG. Dễ lầm lẫn THAM LANG là ăn. THAM LANG là ngôi sao chủ ham muốn đủ thứ, trong đó có cả sự ham ăn.

Khi đói (là THIÊN CƠ) người ta thường tìm kiếm (là THAM LANG) cái gì đó cầm lấy (là PHÁ QUÂN) để ăn.

Ăn khi có sao lương thực là THIÊN LƯƠNG phối hợp mới hay. Đó cũng là một trong các lý do, làm cho bộ CƠ NGUYỆT ĐỒNG LƯƠNG trở thành hoàn chỉnh...
Kém hơn là cách CỰ ĐỒNG CƠ không lo ăn lại lo cãi.
Dù hay hoặc kém, tất cả cần có cát tinh hỗ trợ. Kỵ gặp KHÔNG KIẾP, HOẢ LINH, KỴ HÌNH và CÁO PHỤ.

THIÊN LƯƠNG là lương thực, vì thế có câu phú.
“Tài, Ấm toạ Thiên Di tất cự thương cao cổ”.
Ấm là tên riêng của sao THIÊN LƯƠNG.
THIÊN LƯƠNG tại Thiên Di cung mở cửa hàng ăn uống là thế. Đem lương thực bày ra bên ngoài để người có nhu cầu đến ăn. Còn việc cửa hàng ăn uông lớn, nhỏ, thành bại lại là việc khác.
Do THIÊN ĐỒNG được no đủ vì thế gọi là có phúc. Phúc là tên riêng của THIÊN ĐỒNG. Bạn cho là vô lý ư? Thì đây. Cứ cho là bạn tài ba, danh vọng đầy đủ cả.... bắt nhịn đói đến khi nào thừa nhận, được ăn no là có phúc mới cho ăn. Còn bày vẽ Phúc là phải tự do, ăn ngon mặc đẹp, không bị kềm kẹp... Đó là hạnh phúc (bộ ĐỒNG LƯƠNG) diễm phúc (bộ THIÊN ĐỒNG +ĐÀO HỒNG).

Có của, có quyền lực... nhưng đau ốm ăn không được mới thấy là vô phúc.
Trong cai trị (LIÊM TRINH TRIỆT) người ta dùng cái ăn để khống chế, ban thưởng... Đến đây có người đã thấm thía cái ăn quan trọng, nhưng có người vẫn chưa thấm thía. Đó cũng là chuyện rất bình thường. Vì chưa từng ăn 5 kg/ tháng. Ăn canh toàn quốc, ăn mắm đuôi... đến khi được ăn củ khoai, củ sắn còn sống chưa kịp nấu chín, cho là diễm phúc.
Từ đó ta có.
Kẻ ăn trong tiếng khóc, có người ăn trong tiếng cười. Hoàn cảnh nhiều vô số kể, tốt có xấu có. Cá biệt là yến tiệc linh đình.

Trong giao lưu, cư xử người ta dùng cái ăn để bày tỏ tình cảm...  Và dùng cái ăn để mua chuộc. Ta lại có “Ăn xôi chùa nghẹn họng”.  Chẳng lẽ ăn xôi chùa đi nói xấu nhà Phật.
Trong mưu mô cũng là sao THIÊN CƠ dùng cái ăn để đầu độc đối thủ. Thế là vua chúa phải dùng chén đũa bằng bạc, nhưng chưa hết lo phải cho người ăn thử. Ngay cả vua chúa cũng vừa ăn vừa lo nhất là người xa lạ mời. Ai hạnh phúc hơn ai, khi vừa ăn ổ mì vừa vô tư lướt web... Thế đấy.

Thế nhưng... Một số người khoe khoang cái mình ăn. Nào là ăn óc khỉ, ăn thai nhi, uống rượu ngoại... Có người gào thét phanh thây uống máu quân thù... Người viết không dám chỉ trích cái ăn uống của họ. Quan niệm thích cái gì hãy ăn cái ấy. Căn cứ vào đấy ta đoán tính cách con người. Tất nhiên không thiếu các trường hợp chết vì ăn do ngộ độc thức ăn, nhiễm bệnh về ăn uống là chuyện thường gặp. Đó cũng là lý do sao THIÊN CƠ hay gặp sao CỰ MÔN là cái mồm hội họp. Đa phần các căn bệnh liên quan đến sự ăn uống. Từ thiếu dinh dưỡng, ăn uống bất hợp lý, nhiễm độc thực phẩm... Đến đây rõ ràng không chối cãi cái ăn quan trọng đến dường nào.

Bọn triết gia lại lý sự kiểu sao THÁI TUẾ rằng;
“Ăn để mà sống, chứ không phải sống để mà ăn”.
“Một miếng giữa làng bằng 1 sàng trong bếp”.
Giới y học lại lập luận rằng; Ăn no nhưng thiếu dưỡng chất, cần ăn đủ dưỡng chất...

Nạn thiếu ăn.
Dân chúng thiếu ăn sinh ra loạn lạc. Sử sách viết đầy ra đấy, có thèm bịa đâu. Năm ấy mất mùa loạn lạc nổi lên khắp nơi... Nếu là lãnh đạo giỏi đã tính đến vệ sinh thực phẩm, an toàn lương thực. Còn lương thực của họ gọi là an ninh lương thực, sau khi bọn SÁT PHÁ soi mói không có virus, thặng dư độc tố...
Vì thiếu cái ăn, người ta làm đủ thứ.
Trộm cắp, cướp giật, lừa đảo... đến bỏ xứ ra đi tìm đường cứu... cái bụng là THIÊN ĐỒNG. Nếu thành công quay về lại bố láo tìm đường cứu nước là QUỐC ẤN. Đến cấp vĩ mô xâm lăng, xâm lược cướp đất, cướp biển để cứu dân chết đói ở xứ mình. Hãnh diện với vó ngựa Mông Cổ đến đâu cỏ cây không mọc được, rồi “Mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Anh”... gieo đau thương lên đầu dân tộc khác. Căm ghét hơn lại có kẻ lại đi theo vết xe đó, học làm Hiler, Thành Cát Tư Hãn... Thế gian không bao giờ bình yên, có chăng là khoảng lặng trong chốc lát báo hiệu sóng gió sắp tới.

Đáng nói, không thấy ăn mà gọi là ăn. Đó là ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp, ăn gian, ăn chận (chặn), ăn bẩn, ăn hối lộ, ăn vạ...  Điều này gây khó khăn cho người nước ngoài học từ Việt. Nếu định nghĩa ăn là ăn các thứ lương thực, thực phẩm sẽ làm trò cười cho bọn tham quan, ô lại. Bất cứ thứ gì chúng cũng có thể ăn được. Từ sắt thép đến đất đá, ăn của người chết... ăn đến tận đời sau, ăn xuyên thế kỷ (tức đất đai tài nguyên là dành cho con cháu)

Các từ ăn ở trên hàm ý, cái mầy ăn là đồ trộm cắp, gian dối, tham nhũng ... của người khác.
Vì cái ăn. Bọn gian thương biến hoá cái ăn không được thành cái ăn được sống chết mặc bây.
Vì cái ăn bọn trộm cắp không tha 1 cái gì. Từ hiện vật đến văn chương nghệ thuật. Bằng chứng là những điều người viết viết tại đây, có kẻ ăn cắp đem in ấn chẳng qua là kiếm miếng ăn.

Tất nhiên bọn cướp giật, phỉ, giặc khỏi bàn đến do quá rõ.

Do cái ăn người ta sẵn sàng hại lẫn nhau.
Vậy từ cái ăn là nguyên nhân sinh ra vô số câu chuyện. Cho nên, THIÊN CƠ chủ cái ăn luôn luôn đứng sau sao TỬ VI còn chủ là nguồn gốc. Lại còn ăn bám, ăn chơi, ăn chực nằm chờ, ăn theo... đến “Ăn cơm nhà vác tù và cho quan”. Người Việt biến hoá từ ngữ ăn thành những cụm từ dồi dào, tuỳ thương ghét mà dùng.

Đến ăn năn càng cà lăm..
“Ăn năn thì sự đã rồi.
Nễ lòng người cũ vâng lời một phen”... Nguyễn Du.
Đó là sao THIÊN KHỐC. khi khóc tất có điều ăn năn hối tiếc. Biết đâu mình chưa kịp ăn, nó ăn mất phần mình. Nói đến chữ phần hay phận là sao TỬ VI liền kề sao THIÊN CƠ.

Vẫn chưa hết chuyện về ăn.
Ta lại có ăn chay. Mỗi tôn giáo có 1 cách ăn chay theo 1 cách khác nhau. Có tôn giáo không ăn thịt bò, vì uống sữa bò phải coi bò như là bà mẹ. Nghe chừng cũng có lý. Có người xứ Việt uống sữa cô gái Hà Lan, vì thế gặp gái Hà Lan vòng tay thưa mẹ.
Chẳng qua theo tôn giáo nào phải tuân thủ quy luật tôn giáo ấy mà thôi. Không có lý do gì chỉ trích cách ăn uống người khác. Mỗi dân tộc lại có cách ăn uống khác nhau. Với người này là rau, là củ nhưng với người kia là cỏ, là rể cây. Đó là chuyện rất bình thường.
Cái quan trọng không phải là ăn chay. Cái quan trọng là cách ăn ở cho phải đạo làm người.
Ăn chay nhưng bụng dạ 1 bồ dao găm. Thấy tiền thì sáng mắt, thấy đào thì nổi dâm, thấy đất đai thì lấn chiếm, mua gian bán lận... Vậy ăn chay để làm gì?

Ta còn có.
Nhìn cách ăn uống cũng biết tính cách con người.
Ăn mày cửa Phật
“Miếng ăn là miếng tồi tàn
Mất đi 1 miếng lộn gan lên đầu”
Ăn xem nồi, ngồi xem hướng.
Ăn mày đòi xôi gấc.
Ăn miếng trả miếng.
Ăn cháo đá bát. Cũng là chuyện thường tình trong xã hội.
Nhường cơm sẻ áo.
Ăn cây nào, rào cây nấy. Chỉ 1 đề tài nầy thôi có thể viết thành cả trang luận án.
Uống nước nhớ nguồn. Nhưng chuyện quên nguồn rất dễ gặp.
Có người thà nhịn đói để chết không chịu ăn. Ta lại có
“THAM LANG ngộ HAO 1 nhà.
Cầm bằng nhịn đói (chứ không để) lệ nhoà miếng ăn”.


Căn cứ vào ăn uống đoán thành công và vai vế trong xã hội. Ta có.
Ăn nên làm ra.
Ăn trên ngồi trước.
Một miếng giữa làng bằng 1 sàng trong bếp...
Ăn cơm chúa, múa tối ngày.
Giữ chùa, thờ Phật thì ăn oản.
Ăn chưa no, lo chưa tới.
Quyền ăn to nói lớn tức là cách CỰ CƠ tốt đẹp.

Đến ăn uống bị chỉ trích, kết tội.
Ăn gian nói dối. Đã ăn gian bao giờ cũng liền kề nói dối. Có người hãnh diện nhờ nói dối mà thành công. Làm láo báo cáo hay.
No ăn ấm cật, dậm dật mọi nơi.
Uống (hút) máu dân lành.
Lại có kẻ ăn gan uống máu để chứng tỏ mình ngon, gan dạ hơn người.

Hoạn nạn vì ăn uống.
Trúng độc, ngộ độc, đầu độc do ăn uống. Bị kiêng cử trong ăn uống...
“Ăn rồi cứ ngỡ như là chưa ăn”/ Nghĩa là sao?/ Là ăn cơm tù đấy ạ.
Đến đây được ăn no là có phúc. Có lẽ không có ai tranh cãi làm gì.

Thay vì nói ăn người ta còn nói là thực.
Có thực mới vực được đạo.
Tha phương cầu thực. Cho nên nhiều người phân tán khắp mọi nơi. Số phận mỗi người mỗi khác nhau. Có người thành công, có người thất bại. Làm gì có chuyện lạ lùng tha phương là thành công, là phát tài viễn quận. Trong khi người xưa đúc kết “Số nghèo đi đến nơi đâu cũng nghèo”. Còn người nghiên cứu số mạng thừa hiểu. Đó là kiếp tha phương, kiếp lưu lạc đến kiếp bị lưu đày. Mỗi người tha phương mỗi hoàn cảnh khác nhau.

Lại đến cái ăn đó từ đâu mà có.
Có thế mới là luận đoán.
Câu thơ hay về chữ ăn.
“Hỏi ra, quan ấy ăn lương vợ
Đem chuyện trăm năm giở lại bàn”. Quan Tại Gia, Trần Tế Xương.
Ghét người ta dùng từ ăn bám, thương thì đây là cách vợ đi làm nuôi chồng, chồng ở nhà coi ngó nhà cửa, chăm sóc con... “Vợ có công thì chồng không phụ”. Cách PHỦ TƯỚNG tại Mệnh hoặc tại Phối không bị phá cách.

Bộ ÂM LƯƠNG là bộ sao cơm lành canh ngọt. Nhưng cơm không lành canh không có... bột ngọt đưa đến xung đột mâu thuẫn, cũng là đây. Bao nhiêu chuyện xung đột mâu thuẫn hằng ngày quanh từ ăn rất nhiều, đưa đến vợ chồng bỏ nhau, cha con xa nhau, người ta giết nhau. Đến quan lại tranh giành... cái ăn đầu đội, chân đạp tranh giành nhau chức vị nguyên do cũng vì cái ăn. Vì với chức vị như thế, được quyền ăn to nói lớn, ăn ngon mặc đẹp, ăn sung mặc sướng... Đến đây tất thấy cái ăn cực kỳ quan trọng.
Muốn có cái ăn, người ta cần có tiền tức là THIÊN LƯƠNG. Từ THIÊN LƯƠNG hoán đổi ra lương thực cũng chỉ sao nầy mà thôi. Đó là lý do bộ CƠ NGUYỆT ĐỒNG LƯƠNG hoàn chỉnh hay hơn bộ CỰ ĐỒNG CƠ.

THIÊN CƠ là sao chủ sự đói nên cần ăn no là THIÊN ĐỒNG. Cái hay của TỬ VI là vậy, 2 sao luôn luôn tam hợp bổ sung cho nhau.
THIÊN CƠ còn chủ thời kỳ, thời cơ, cật vấn, riêng tư, tính toán mưu mô, cơ ngơi, cơ thể, số lẻ...
Đến đây có lẽ không ngạc nhiên khi nghe người ta nói.
Nhà cửa (là Thiên Cơ) sao xập xệ thế?/ Cái ăn chưa có, cơ thể chưa lo xong. Thời kỳ đang đen tối. Chuyện nhà cửa thôi đành tam bợ.
Trên là câu nói xoay quanh sao THIÊN CƠ với tình huống xấu.

Người viết nghĩ rằng. Đoán chuyên sâu về thức ăn nóng, thức ăn lạnh, đồ ăn nhanh... không khó mấy đối với học viên giỏi. Với học viên giỏi ba hoa cái gì đoán cũng được. Không cần suy nghĩ trước, tìm hiểu trước.

Cuối cùng là câu nói người xưa để lại.
“Nhất ẩm, nhất trác giai do tiền định”
Cái ăn, cái uống đã tiền định sẵn rồi. Tức cái ăn, cái uống có vui buồn vinh nhục trong đó.

Đến đây chợt nhớ đến “tam cùng”. Vậy tam cùng là gì? Là cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Nói lên tính hoà đồng với mọi người dễ thành công trong xã hội. Chứ đừng, tao chỉ uống trà không uống bia rượu. Tao ăn chay không chịu ăn mặn phải kiếm đồ chay cho tao... Thế là cách “Không Cùng”. Chừng đó thôi, đã thấy khó cùng nhau đến cuối cuộc đời.

9 nhận xét:

Moonsun nói...

Hay quá Thầy ơi. Mong Thầy viết nhiều nhiều ạ.

Tử Vi Ứng Dụng Bửu Đình nói...

Cám ợn con đã đọc.

Nhiếp Hải Anh nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Nhiếp Hải Anh nói...

Bài viết vô cùng khúc chiết, thâm thúy và sâu sắc Thày ạ.

Đúng là ăn cái gì chưa phải quan trọng, quan trọng là đường ăn nhẽ ở sao cho hợp đạo lý làm người.

Cám ơn Thày đã thông qua Tử Vi không chỉ củng cố kiến thức cho học trò, mà còn chỉ bảo cho chúng con cách sống, cách làm người nữa...

Tử Vi Ứng Dụng Bửu Đình nói...

Hồi này ghi comments cải tiến trên Blogspot có vẽ như là không hay bằng cách cũ. Cám ơn con đã đọc.

Ngọc xanh nói...

Đã lâu lắm rồi, cháu mới được đọc tiếp những dòng văn hóm hỉnh nhưng đầy ý vị thâm sâu của bác. Sự trải lòng yêu ghét siêu dễ thương với cái nhìn sâu sắc về thói đời của bác lại cuốn cháu vào chốn VÔ ƯU.
Yêu bác thật nhiều. Cháu chúc bác sức khỏe dồi dào để viết thật nhiều bài hay thiệt là hay nữa bác nhé!

Toái Quân Lưỡng Phá nói...

Lâu lắm rồi con mới được đọc bài của lão tổ , mừng rơi nước mắt...

Huyền Vũ nói...

Thật đáng tiếc khi không biết blog của bác sớm hơn, thôi thì cũng do tiền định duyên nghiệp, Nhiều lúc thấy chán ngán khi đọc nát mấy cuốn sách tử vi như Thái Thứ Lang, Nguyễn Phát Lộc, Việt Viêm tử mà chẳng thấy tiến bộ gì.

Ăn kiêng, giảm cân nói...

Bài viết vô cùng khúc chiết, thâm thúy và sâu sắc Thày ạ.

Đúng là ăn cái gì chưa phải quan trọng, quan trọng là đường ăn nhẽ ở sao cho hợp đạo lý làm người.
Ohoo