Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2011

Lạc Vào Thế Giới Tử Vi (14)


Truyện Tử Vi của Bửu Đình.
Hồi1 nhấn đây
Hồi thứ 14.
Bản mật tấu thứ ba.
Rạng ngày 15 tháng chạp năm ấy, gần cuối giờ mão, Viên cận thần của nhà vua đã có mặt tại Quang Minh điện. Hôm nay gió đông phong thổi về, kèm theo những hạt mưa nhỏ li ti, đúng như tòa Khâm Thiên giám dự báo. Trời còn mưa và lạnh đến tận ngày tết Nguyên Đán. Lại thấy thêm nhiều cây cảnh xếp bên những vạc đồng lớn trước sân Quang Minh điện. Cũng là sân sau của Thái Bình điện nơi thiết đại triều nghi 2 lần mỗi tháng.
Khâm sai Tử Vi không thấy nhà vua ngồi ở long án như thường lệ, chỉ nghe tiếng đàn của ngài qua cây đàn nguyệt (còn gọi là đàn tranh 2 dây, miền bắc gọi là đàn kìm) ở sảnh phòng phía đông vang lại. Đó là bài quen thuộc “Ngũ điểm”, giữa đại sảnh rộng thênh thang lấp lánh các bảo vật xà cừ, vàng son, bình sứ, tranh ảnh, các bức đại tự sơn son thếp vàng. Các hàng cột bằng đá trắng được gọi là bạch ngọc, khắc chạm tinh xảo hình rồng, 4 cột trụ cái to một người ôm không xuể, và hằng chục trụ con nhỏ hơn lóng lánh vân đá. Phía sau vách gỗ nơi nhà vua thường ngồi lại là thiện phòng, ngài thường ăn trưa một mình tại đây, ở đây gọi là “thời cơm”. Chái tây là thư phòng cũng có một long sàng để ngài nghĩ trưa. Buổi tối ngài thời cơm tại Thiện đường nằm trong Tử Cấm thành với hoàng hậu, hoàng tử và công chúa. Quang Minh điện cũng là cửa ngỏ đi vào Tử cấm thành. Chỉ có bọn thái giám mới ra vào mà thôi, bọn cẩm y chỉ canh gác bên ngoài.
Chợt cơn gió đông phong thổi vào, một hoa tiên từ long án bay về phía quan cận thần. Lữ Khách áy náy nếu cầm lên ngại rằng đọc trộm, nếu để vậy thấy tội, tội làm sao. Tờ hoa tiên tinh xảo với hình hoa lá in thủy ấn (in chìm) chạy những đường chỉ vàng, đây là loại giấy để nhà vua viết thư, họa tùy thích, cỡ nhỏ. Trên hoa tiên có bài thơ viết chữ thảo bay bướm, càng đọc hóa ra bài thơ chàng ta đọc hôm qua. Nhưng bây giờ được nhà vua dịch theo kiểu Tử Vi.
Có một người thương nhớ một người.
Nhưng mà  xa cách quá đi thôi.
Giá như nắm được người trong mộng
Vui bước bên nhau trọn một đời.
Nhà vua chỉ đổi chữ “mà” thành chữ “kìa”.
Có một người  THIÊN TƯỚNG  một người.
Nhưng kìa gã CỰ  nỡ chia đôi.
Giá như THAM PHÁ  người trong mộng
ĐÀO VŨ bên nhau trọn một đời
(Đào Vũ tức múa hát, vui chơi, vui bước..)
Đây là câu thơ chàng ta làm ra. Mô tả bộ 3 sao Tham Cự Tướng trong Tử Vi luôn luôn đứng kề nhau. Một sao ham muốn và một sao thương thích, bị ngăn cách bởi một sao Cự Môn. Trong khi vận động trí nhớ những câu thơ của thiếu phụ Thái Âm mà y không nhớ nổi, chàng ta linh hoạt đem nhét đại những câu thơ của y làm. Rồi tự hào có trí nhớ tốt. Điều kỳ lạ nhà vua nghe loáng thoáng 2 lần đã thuộc và còn dịch ra Tử Vi nữa. Hóa ra, nhà vua đang thẩm tra ca từ trong bài Ngũ Điểm có đúng âm luật hay không (Hình Âm cách, tất nhiên là đi với Xương Khúc). Trong lúc hoang mang, bỗng nghe tiếng nhà vua từ phía sau:
- Đọc trộm văn thư tối mật hả. Biết tội gì chưa?
- Xin thưa... Gió...
- Trẫm có thấy.
- Hình như câu thơ này của... gã Thiên Lương.
Nhà vua bảo:
- Nó chưa đăng ký. Bây giờ trẫm đăng ký trước là của trẫm. Nhà vua cười hì hì... Trong bản mật tấu thứ 2 của ngươi, có chuyện vui phụ nữ bán gà sao không kể trẫm nghe. Trẫm đã nói phải viết hết những gì mình thấy mà.
Nhà vua khi đọc đoạn này, thừa biết là Lữ Khách “làm bẫy” để gặp nhà vua. Nhưng nhà vua phớt lờ. Bây giờ đã tha thứ việc ấy, hỏi sau cũng không muộn. Ngài thân mật kéo Lữ Khách đi về phía long án chỉ chiếc đôn chàng ngồi. Nhà vua lấy 3 viên bạch ngọc để luyện ngón tay, ngài vừa đi vừa tung hứng rất khéo. Chờ nghe Lữ Khách kể chuyện. Và Lữ Khách thật thà kể ra những gì mình thấy với ngôn ngữ “trời ơi!” mà các khâm sai Cơ mật viện hay dùng.
- Hôm đó. Thần đang ăn cơm trông thấy một thằng “trời đánh” đến mua gà. Chị phụ nữ có bộ ngực to như 2 quả bưởi – vừa kể, chàng ta dùng 2 bàn tay khum khum đặt lên ngực để mô tả - Thằng trời đánh lựa 2 con gà, nhờ cô ta cầm tay phải, lại lựa tiếp 2 con gà đưa cô ấy cầm tay trái. Xong rồi, nó đưa tay bóp vú cô ả, khiến cô nàng ngoác mồm chưởi inh ỏi cả góc chợ.
Kể xong Lữ Khách cười ha hả. Nhà vua cũng cười theo vài tiếng lấy lòng. Nhưng sắc mặt nhà vua bỗng nhiên nghiêm nghị.
- Trẫm không ngờ khanh là bậc đại thần, ra ngoài đã không giữ lễ thì thôi, thấy phụ nữ lại nhìn hau háu vào ngực người ta, ăn nói thô lỗ, vú vê thật vô duyên trơ trẽn, còn làm những động tác khó coi – nói đến đấy, nhà vua cũng dùng 2 tay vẽ trên ngực mình 2 cái vú còn to hơn nữa, lắc lắc tấm ngực của ngài – Các mật tấu của khanh toàn là mô tả gái đẹp, áo hở ngực, yếm thắm... - đó là những từ nhà vua gạch dưới - Các mật tấu của khanh toàn là đàn bà, con gái không là tại sao?
Lữ Khách lúng túng châm chế.
- Bản tấu xứ Thân, thần mô tả có cả bọn quan binh đó,
- Hừ, không có gái thì nhìn bọn quan binh chứ gì? Nè nè... mũi súng bằng 2 ngón tay đẹp nhắm bắn vào Lữ Khách. Có phụ nữ, đàn bà thì điều tra rất là mau? Trẫm bảo khanh đi điều tra vụ khâm sai mất tích, chứ có điều tra gái đâu? Khanh là nam nhi lại vào ngủ trong chùa sư nữ là tại sao? Tại sao?
- Hạ thần có điều tra đâu, chẳng qua hoàng thượng bảo thấy sao viết vậy. Việc ngủ chùa là việc bất dắc dĩ “cùng tắc biến..”.
Nhà vua cướp lời:
- “Cùng tắc biến. Biến tắc thông ... dâm” chứ gì?. Từ nay, thấy bọn phụ nữ chỉ nhìn từ cổ trở lên nghe rõ chưa? Đọc điều 1 nội quy cho trẫm nghe.
- Trọn đơi.... À. Trưởng phòng Tử Vi phải ngồi tại chỗ chấm chấm chấm.
- Đó thấy chưa, ngồi tại chỗ đâu có bị Đà La như thế này. Trẫm biết mà, chuyện xứ Thìn quan Liêm Trinh, hay quan Sát Phá cũng tìm ra được mà thôi. Khanh vẽ chuyện đi điều tra để nhìn gái thì có, đi lòng vòng. Thôi đúng rồi, trước đây có quen cô nào ở xứ Thân, bây giờ tìm cớ để đến đó. Nói thật đi, trẫm tán thành chứ không cấm cản gì đâu. (cấm là Kỵ, cản là Đà. Kỵ Đà cách).
- Dạ thưa chẳng có chuyện ấy đâu, chẳng có hồn vía nào để ý việc ấy.
- Thế sao khanh độc thân?
- Cơ Mật viện có 4 khâm sai độc thân đâu có riêng gì thần. Bọn thần hăng say với công việc, chẳng ai nghĩ đến chuyện vợ con. Sau này bệ hạ không dùng, hạ thần về hưu lấy vợ còn kịp chán.
Nhà vua nghe thế bật cười:
- Như thế già khú đế rồi còn gì.
Từ đó về sau những bản mật tấu mô tả về người. Ta chỉ gặp những phụ nữ xấu xí, nào là mới 20 tuổi tóc đà bạc trắng, má hóp nhăn nheo... nào là mặt như cái bánh đa, mắt toét cộng thêm miệng hô... Nhà vua đọc cũng phì cười nhưng trong lòng vẫn thích, thà rằng y nói dối còn hơn nói thật.
Nhà vua vẫn đi lại dáng thong dong thầm nghĩ. Hôm nay ta thật lòng không muốn gây gổ với “hăn”, muốn “hắn” ở lại ăn trưa cho vui. An ủi “hắn” là chính. Cho nên nhà vua dịu giọng bảo:
- Thôi từ nay ngồi một chỗ, đâu có cảnh như ngày hôm nay. Ta có điều ái ngại với khanh, đã 5 năm rồi không phong thưởng gì thêm cho khanh, khanh có buồn không?
- Thần hài lòng với địa vị hiện giờ, chỉ mong sao công việc cho tròn mà thôi.
- Bộ khanh không thích Tòng nhất phẩm sao? Bên văn làm Hiệp biện học sĩ, bên võ làm Đô thống.
- Như thế thần không còn ở Cơ Mật viện nữa. Thần làm những việc mà thần không thích, chưa chắc đã thành công. Rõ ràng là thần không thể làm Hiệp biện học sĩ, bọn thần ăn nói ẩu tả đã quen rồi. Ra đường ăn mặc theo lối dân gian, làm quan Đô thống mũ cao áo dài, cân đai, nghiêm nghị hoàn toàn không thích hợp. Khả năng chiến thuật, chiến lược là hoàn toàn không có.
- Khanh nói thật lòng chứ?
- Thà rằng bệ hạ cho thần về hưu còn hơn.
Nhà vua than:
- Xưa nay Viện phó Cơ Mật chỉ đến Chánh nhị phẩm là cùng. Ta không muốn phá lệ (cũng là Phá Hình nhưng đi với Xương Khúc) để nghe tiếng bấc, tiếng chì. Khanh nói trung thực chứ.
- Đâu phải riêng thần các khâm sai khác cũng vậy. Việc làm của khâm sai có tí hồi hộp, có tí suy nghĩ, chẳng có ai cầu cạnh xin xỏ điều gì, nhất là được thường xuyên gần gủi bệ hạ.
Nhà vua rất đẹp lòng cứ như Thiên Đồng ngộ Đào Hồng gia thêm Song Hỉ.
- Ta cư xử với khanh không được tốt, thường la mắng khanh có buồn không?
- Nếu không được hoàng thượng la mắng, thần e không được tiến bộ như ngày hôm nay.
Nhà vua suy nghĩ một hồi lâu đặt câu hỏi:
- Điều hạnh phúc nhất của khanh là gì?
Lữ Khách trả lời nhanh:
- Là những phút giây này đây.
- Khanh đừng quên ta vừa mới trách mắng khanh.
- Thần cho đó là lời chỉ dạy.
- Thôi được trẫm cám ơn khanh, trẫm hứa là không làm phiền khanh hôm nay. Chúng ta đi vào việc quan Lãnh binh xứ Thân. Khanh đánh giá những động thái của y như thế nào?
- Xin thưa. Thần nhập vai có người thân đi lính ở xứ này, nhờ cậy y giúp đỡ. Lãnh binh Phá Quân Triệt, khuyên thần xin với quan Đô thống cho về xứ Ngọ, chứ ở đây không quen thung thổ, nghe vượn hú chim kêu cũng sợ, nghe con mang nó tác cũng run, vì thế quan Lãnh binh.xứ Thân mới đưa quân làm quen với rừng núi. Đi luồn rừng chỉ một tuần nhật là rách hết áo quần. Cho nên, y quyết định làm một con đường chạy dọc theo biên giới. Để lính y đi lại đỡ vất vả, y còn than rằng. Bọn nghỉ ngơi lại hay sinh đau ốm, đó là nét rất đặc biệt ở xứ này, vì thế y phải thường xuyên tập luyện quân sĩ. Y khoe đã làm gần xong ba đồn dọc biên giới. Y cho rằng, cái ăn ở đây không quan trọng bằng cái mặc. Y còn biếu thần cặp chim công rất đẹp, y có đủ nào là chim trĩ, gà lôi, nai, hươu đều có cả. Thần viện cớ bận đến đi đến xứ Dậu, có dịp sẽ đến lấy về. Thần trộm nghĩ, bệ hạ nuôi chim công trong vườn thượng uyển rất hợp đấy.
- Khanh không thấy, trẫm có bao giờ nuôi con vật nuôi nào đâu, trừ con cá dưới hồ Thái Dịch. Trẫm chẳng thích nhìn thấy con vật nào bị cột, bị trói, bị giam trong chuồng cả (Kỵ Phá).
Nghe thế viên khâm sai liền “bắn tỉa” liền.
- Thế mà Cơ Mật viện, có người bị giam giữ không đi đâu cả.
Nhà vua phì cười trước câu nói ấy. Ngài suy nghĩ và “nổ súng” lại ngay:
- Buồn cười, có người lại đem so sánh mình với con vật. Xem Cơ Mật viện như một cái chuồng.
Bị thua đau Lữ Khách nói lãng sang chuyện khác:
- Thần nghĩ việc làm của khâm sai xứ Thân không có gì sai trái. Bệ hạ nên lịnh cho ngài Thượng thư bộ Binh  nên cấp phát thêm quân phục cho lính xứ ấy.
- Được rồi. Trẫm sẽ lịnh, cấp thêm gấp mỗi người 2 bộ quân phục trước tết. Khanh hài lòng chứ.
- Muôn tâu. Lính xứ Thân hài lòng chứ không phải là thần. Thần khỏi áy náy trong lòng mà thôi.
- Cũng cho khanh biết. Trẫm đã có lịnh cho Lãnh binh xứ Thìn dẹp bọn Sơn Đường trước Tết. Vậy thì khanh phải phối hợp cho tốt. Theo khanh thì Lãnh binh Liêm Tham là loại người gì trong Tử Vi.
Đến đó lại thấy bọn thị vệ mang theo một số công văn vào. Nhà vua vừa xem vừa trò chuyện. Lữ Khách lên tiếng.
- Theo thần quan Liêm Tham là người có lý tưởng, có đường lối (Thái Tuế) nhưng y đã đi sai đường (Không Kiếp) tự đánh mất mình. Nhìn bên ngoài y là người anh hùng không có dâm tính, nhưng bên trong y là con người bệnh hoạn. Tật ách cung của y đầy rẫy các sao dâm. Hồi sinh thời sư phụ của thần, lưu ý thần điểm này. Nhìn người rất khó đánh giá, chỉ qua một số việc làm, ta mới phỏng đoán được lá số Tử Vi của họ. Trước đây thần vẫn nghĩ rằng y là người đứng đắn. Nhưng bây giờ đã rõ bề ngoài vẻ kiêu hùng của y là dâm bịnh bên trong.
Nhà vua cười cười nói:
- Sao giống thằng đại tá bên Canada vậy.
- Đúng vậy, thưa bệ hạ.
Nhà vua có vẻ không thích nói đến dâm tính, Ngài lãng sang chyện khác.
- Khanh đánh giá thế nào về quan Tể tướng?
- Xin thưa. Đó là con người tốt. Ngài Tể tướng. Càng lên cao càng tỏa sáng. Trái lại một số người càng lên cao càng lộ ra những cái xấu xa.
Nhà vua đặt câu hỏi:
- Khanh cho ví dụ.
- Chuyện đã qua là quan Tế tửu (hiệu trưởng ngày nay) dâm ô, hủ hóa. Và bây giờ là quan Lãnh binh Tham Liêm.
Nhắc đến quan Tế tửu nhà vua rất hài lòng về viên cận thần của ngài. Một việc tưởng chừng rất nhỏ, chuyện dâm ô. Không ngờ lại dẫn đến vụ án rất là lớn. Kéo theo một bầy, một bọn từ bao che, đến nhận hối lộ, đến cưỡng bức cung. Nạn nhân của vụ án lên đến 5,7 người. Chỉ có 2 người đi tố cáo, ai đời nguyên đơn bị bỏ tù. Những nạn nhân còn lại sợ quá bỏ trốn. Cơ Mật viện biết được vụ việc, chơi trò “bắt cóc” được một nạn nhân và tố ngược trở lại. Vụ ấy, dư luận ủng hộ (Phủ Hồng), nhà vua cũng đứng về phía dân nhân, quan niệm của ngài là. Các quan lại có tội đã ra công khai thì phải sáng tỏ, không có bao che, đánh mất niềm tin của dân chúng. Nếu đang còn âm thầm, kín đáo nhẹ tội ngài khuyên nên về vườn đi. Vì thế, ở đất nước này tuy có một vị vua hiền nhưng các quan lại thay nhau xin từ chức.
- Có bao giờ khanh nghĩ  đến việc, chọn người qua các lá số Tử Vi các quan lại trong triều chưa?
- Qua trò chuyện bí mật lấy lá số Tử Vi của họ thì được. Nếu công khai thần e rằng không có lá số thật.
Nhà vua cười bí mật:
- Đúng thế. À mà đến giờ ngự thiện rồi. Khanh ở đây thời cơm với trẫm chứ.
Tất nhiên, viên Khâm sai đại thần đâu có thể từ chối như thường lệ, vì đây là cơ hội của y.
Thiện phòng có một cái bàn dài vài trượng. Trên đó để la liệt các hộp thức ăn đựng trong cái tráp bằng sơn mài cẩn xà cừ, cẩn bạc và cả thếp vàng, có dán niêm phong của phòng ngự thiện, dán tên món ăn trên giấy điều chữ đen. Nhà vua thời cơm sớm là có ý tốt. Một số món ăn ngài dâng lên bà Hoàng thái hậu ở Diên Thọ cung, một số món ngài ban cho Hoàng hậu và còn ban cho Viện Cơ mật, bọn quan lại Cẩm y trực buổi trưa, đây là hình thức biểu lộ tình cảm của ngài.. Những món ăn được đặt những cái tên mỹ miều, kiêu sa khó biết được thực chất chúng là gì. Viên cận thần không lạ lùng những món ấy nhưng vốn là người không quan tâm đến ăn uống, y chẳng buồn để ý đến. Nhà vua chọn 3 món để cùng ăn với viên cận thần yêu quí là “Lý ngư vượt môn”  (tức cá chép hấp cách thủy, được bỏ trong tráp, lóp vải điều bọc rơm còn nóng hổi). Món “Thiên nga ấp nguyệt” là con vịt hầm với trứng cút nhiều vị thuốc bắc. Và món canh “Tường Vân” là miến tàu, mộc nhỉ, kim châm... Ngài quảng cáo đây là món canh miến có tính chống trầm cảm, giải sầu chứ không phải “giải sầu” theo nghĩa của khanh nghĩ đâu nhé. Cơm là loại “hẻo rằn” màu vàng trồng phía nam sông Bảo giang nơi có có những mẫu ruộng trồng lúa để tiến vua.. Khi bọn thị nữ bưng bê hết những món ăn biếu tặng, và cho các thị nữ hầu ngự thiện ra về, để ngài và viên cận thần được tự nhiên.
Lần thứ tư y được cùng ngồi ăn cơm với nhà vua những lần trước còn có quan Tể tướng. Lần này chỉ có mình y, khiến y cảm thấy rụt rè. Nhà vua ngồi ở đầu bàn và viên cận thần ngồi bên phải. Chợt nhìn thấy những sợi tóc bạc, trên mái tóc của viên cận thần nhà vua đâm thương hại. Y mới 45 tuổi mà tóc đã sớm bạc rồi sao. Còn ngài hơn y 10 tuổi, e rằng mình cũng già nua mất rồi, nhưng nhìn vẻ bên ngoài cứ ngỡ như là ngài mới ngoài 40 mà thôi. Nhìn người đâm thương hại mình. Bỗng cơn đau chận ngang ngực, nhà vua buông đũa, đưa bàn tay đẹp đè lên ngưc. Viên khâm sai lên tiếng.:
- Bệnh bệ hạ không thuyên giảm sao?
Nhà vua cười buồn:
- Thuốc Thái y viện hình như không hiệu quả. Khanh à, chắc trẫm không còn gần khanh bao lâu nữa đâu.
- Thưa bệ hạ. Khi đau ốm người ta thường có tư tưởng bi quan như thế.
Nhà vua đưa bàn tay phải, nắm lấy cổ tay trái của viên khâm sai, lúc ấy đang nắm thành quyền, để trên bàn. Ngài đứng dậy đặt bàn tay trái của viên cận thần lên lòng bàn tay trái của ngài, dùng ngón trỏ bàn tay phải xinh đẹp của ngài, bật mở lòng bàn tay của viên cận thần. Ngài dùng ngón trỏ rà rà trên lòng bàn tay viên cận thần khiến y không hiểu ý định nhà vua là gì. Nhưng rõ ràng là một cử chỉ đầy thân thương.
- Khanh phải hứa, cùng trẫm vi hành ra ngoài kinh thành một chuyến.
Bất ngờ ngón cái bàn tay trái của nhà vua đè ngón trỏ của viên cận thần cụp vào, cũng là lúc ngón trỏ tay phải của nhà vua và viên cận thần tạo thành cái ngoéo tay của bọn trẻ con. Nhà vua bật cười:
- Đó, khanh đã ngoéo tay với trẫm.
Thật khó tin nhà vua và viên quan đại thần lại chơi trò con trẻ. Và viên cận thần bất ngờ bị sập bẫy. Đây là vấn đề từ lâu đã đặt ra, lần nào viên khâm sai cũng tìm mọi lý lẽ gạt bỏ. Một nhà vua đẹp trai như thế này ra ngoài gặp bọn “Đào hoa vẫy” cũng đủ sinh chuyện rồi chứ không bàn đến những phức tạp khác. Nếu như cuộc sống trong kinh thành thành có nề nếp, toàn là dinh thự, tư dinh, doanh trại và một số dân nghèo phục vụ tầng lớp kể trên. Ban đêm vào cuối giờ tuất đã tắt đèn, 10 cửa thành đóng lại. Trái lại bên ngoài kinh thành phía đông và nam, vui chơi suốt sáng, ngựa xe tấp nập, trên bến dưới thuyền, cuộc sống xô bồ ăn nói phức tạp. Ngay cả từ “chạy làng” nhà vua cũng không hiểu. Nếu vi hành ra ngoài, sợ e ngài thất vọng mà thôi. Năm xưa, khi vừa cưới vợ xong, ngài tổ chức tuần du thăm đèo Đại Đà La, phái đoàn lên đến 5 ngàn người, tiếp thăm biển Kình Dương xứ Mùi lên đến 7 ngàn người. Tuần du thì có bộ Lễ lo nhưng vi hành (đi bí mật) với viên cận thần thì chỉ có y lo mà thôi. Y không ngại vấn đề an ninh, Cơ mật viện không thiếu cao thủ để bí mật che chở nhưng làm sao để ngài tránh tiếp xúc với bọn du côn, du đãng... bọn Đào Hoa vẫy khó ơi! là khó.
-Trẫm phải đến thăm cơ sở 2 của Cơ Mật viện chứ.
- Đó chỉ là hiệu sách mở công khai có gì đâu. (Là nơi các khâm sai địa phương gởi tin về triều đình)
-Trẫm cũng đến thăm tư dinh của khanh nữa chứ.
- Chỉ là căn nhà tầm thường của bọn độc thân, bề bộn lắm.
- Nhưng đó là ước muốn cuối cùng của trẫm. Mà khanh đã ngoéo tay rồi đấy.
Những từ “ước muốn cuối cùng”... làm lòng dạ viên khâm sai xao xuyến. Mối thâm tình của 15 năm kề cận bên ngài, trở thành một tình cảm rất đặc biệt chỉ 2 người biết với nhau mà thôi. Các bản mật tấu chỉ là cái cớ để giúp nhà vua nắm bắt tình cảm của viên cận thần, cũng là cơ hội để viên khâm sai bày tỏ tình cảm. Vì thế trong bản mật tấu cuối cùng diễn tả tâm trạng ngày về, được viết.
Càng xa xứ Ngọ càng thương nhớ.
Chỉ muốn làm chim chóng trở về.
Hôm qua đuổi giặc trên mình ngựa.
Mai lại về đây trọn câu thề.
Kể cả lúc lọt ổ phục kích của bọn giặc Sơn Đường, cái nguy khốn đánh mất tất cả các suy nghĩ khác. Được y viết là.
Lòng thần thầm nghĩ, chỉ có phép lạ của hoàng thượng mới cứu được thần thôi. Và phép lạ xảy ra tức khắc. Một thiên thần giáng xuống. Đó là người Cổ Tích... “Ta đến từ xứ “Tình Thương Bao La” để cứu ngươi...” Nhà vua vô cùng sung sướng khi viên cận thần trung thành của ngài, luôn luôn tưởng nhớ Lộc Tồn đến ngài kể cả lúc nguy hiểm nhất. Sau khi cộng trừ với bọn gái đẹp, yếm thắm, má đào... những từ “hoàng thượng”, “bệ hạ”, “nhà vua” vẫn nhiều hơn. Thế là ngài vui. Các bản mật tấu về sau, được đem vào tẩm phòng của ngài ở điện Càn Thành, để đêm đêm ngài đọc lại. Như một liều thuốc an thần đưa ngài vào giấc ngủ.

Nếu như các quan Tể tướng, Thượng thư với ngôn ngữ hàn lâm, bảo sao nghe vậy, như cỗ máy. Trái lại viên cận thần, ăn nói ẩu tả, còn bắt bẻ cả nhà vua... đối với ngài là điều thú vị nhất. Nếu tính đến mối duyên kỳ ngộ thì ngài đã quen biết “hắn” đã 27 năm.
Ta thường cứ nghĩ, những gì nhà vua muốn là được, những quyết định của người có thể thay đổi vận hạn cả triệu người. Thực tế lại không phải như thế. Đôi khi chỉ một người dân thôi, có thể làm thay đổi vận mệnh cả đất nước. Ví dụ như là trường hợp bọn Sơn Đường.
Hồi thứ 15.
Cờ bay phất phới.

Không có nhận xét nào: