Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Anh Cho Em Mùa Xuân.


Anh Cho Em Mùa Xuân.
- Anh cho em mùa xuân, nụ hoa vàng mới nở, chiều đông nào nhung nhớ...
- Mùa xuân đâu phải của riêng ai. Mùa xuân của đất trời, anh không cho mùa xuân vẫn đến.
- Ý anh là...là... là ra giêng anh cưới em.
- Như thế là anh cho em cả mùa xuân, lòng em tràn niềm vui phơi phới.
Nhưng ra giêng anh chàng Nguyễn Hiền lại bảo:
- Chưa có tiền để làm đám cưới em à, chờ xuân sau vậy.
- Như thế là anh đã cho em một mùa đông băng giá.
Cái đem cho nhau từ vật thể đến phi vật thể. Cũng như cho nhau niềm vui hay nỗi buồn.
Anh cho em niềm tin. Niềm tin là sức mạnh, niềm tin là lẽ sống.
Dù gió thảm mưa sầu. Cho nhau niềm thân ái. Tin tưởng vào tương lại.

Cho là động từ tuỳ hoàn cảnh, tuỳ vai vế. Từ cho được thay thế bởi các từ: Ban cho, hiến, dâng hiến, biếu, tặng, thí, bố thí, cúng dường, phụng cúng, cứu trợ, viện trợ....và còn tiếp tục biến hoá thành nhu cầu, lì xì, nguyện cầu, cầu hôn.  Cho, ban, tặng... để bày tỏ lòng biết ơn, sự giúp đỡ, ban phát theo sự yêu cầu của kẻ khác, hoặc đem lại niềm vui cho người khác. Nhưng liệu cho chỉ ngần ấy mà thôi sao?
Cho còn là thủ đoạn mua chuộc lòng người. Cho lên chức, lên quyền để làm tay sai vây cánh. Cho lên cao để có cớ cho nó đi xa, rời bỏ chức vụ quan trọng, như, cho ra biên ải. Thực chất là minh thăng ám giáng. Cho lên cao để chết, “cho xuống” là khỏi chết.
Cho huy chương để che giấu sự thất bại là chuyện có thật.
Đằng sau cái cho còn có những mưu đồ lợi ích riêng tư. Cho có khi là quảng cáo gây tiếng vang. Hoa hậu A làm từ thiện, hoa hậu B cũng ráng theo. Cứu trợ có khi là tiêu thụ hàng quá date. Tìm được nơi vất bỏ.
Cho có khi là cái bẫy chết người.
- Em là gái đơn thân, anh cho em 1 đứa con để về già có nơi nương tựa.
Sau đó là kết quả hay hậu quả là tìm sao Quả Tú bóp đầu ra suy luận. Vì nó còn là hiệu quả, thành quả đến quả... tạ. Là tiền chi ra để nuôi con, nuôi vợ ơ hờ.
Cho nghe rất thú vị, sướng tai. Ai cũng thích được nhận hơn là cho. Tâm lý ôm cây đợi thỏ, ngồi chờ sung rụng rất là nhiều. Tự nhiên không mất mà được, chẳng mất công phí sức,  cứ y sao THẤT SÁT. Chỉ thấy Sát mà không thấy Thất. Không muốn học lại muốn có bằng. Ngồi không toạ hưởng kỳ thành. Cứ y như làm theo năng suất, hưởng theo nhu cầu. Đành phải... chờ thôi.
Cho với xin thực chất có nhiều rắc rối, có thể đưa đến mâu thuẫn xung đột.
- Tại sao lại nói xin cho. Phải nói cúng dường hay phụng cúng. Đó là việc hiếu sự.
Từ cho xin có thể đưa đến giận hờn.
- Tại sao cho nó nhiều cho tui ít.
Lại có trường hợp bị ép buộc phải cho xin. Mầy không cho, tao xin mầy tí huyết. Cho con trai phải cho con gái. Cho đứa lớn phải cho đứa nhỏ. Vì tất cả đều là con. Với người giàu họ vẫn thích nhận vì đó là sự biết ơn, nhớ đến. Đối với người nghèo cơ hội cho biếu tặng là lúc ta trợ giúp.
Động thái mang vật phẩm đi cho cũng có khi phức tạp.
- Tao có thèm xin đâu mà cho. Ta lại có “Cách cho hơn của đem cho”. Rồi “Của một đồng công một nén”. “Cây nhà lá vườn”...
Có thi sĩ lại than rằng:
“Cho thì nhiều nhận lại có bao nhiêu”... Nhưng tìm hiểu, hoá ra cho tình yêu. Ôi! trời cái đó ai cho mà chẳng được.
Có những vật đem cho người này thì tốt, với người kia vô tích sự, kẻ khác gây hại. Ví dụ cho dễ hiểu. Sao bạn bè lại cho con dao, cái này kỵ lắm nghe. Nhưng ít ai biết vì sao lại kỵ, cứ nghe giải thích là cắt đứt tình bè bạn. Thật ra mang con dao trong người, gặp lúc nóng vội mang hoạ vào thân. Vật cho nối dài vào vòng tù tội.
Cho là sao gì?
Cho là sao HOA CÁI. Sao này có nghĩa là ồn ào vì sự xin cho. Nơi xin là cung xung chiếu của nó. Nếu hiểu giản dị Tử Vi như thế, chẳng bao giờ giỏi nổi. Có khi còn nguy hiểm, nhất là khi mình là kẻ được nhận. Tiếp là được phong... nhận hối lộ. Luật pháp thì mù mờ như sao Diêu, khi cần lại nghe “y như là” trên “mức tình cảm”. Mức tình cảm ngang vạch nào chưa hề nghe ai nói đến. Thế là chết vì cái tội nhận hối lộ. Có khi hối lộ bằng tình, khiến chúng ta bóp đầu nghĩ không ra, cả vạn sự cố, sự việc làm bạc đầu tuổi trẻ. Khi bạn nghiên cứu Tử Vi, nhớ thôi đã rụng... tóc. Đem ông Công, ông Táo ra doạ không có trong TỬ VI nghiêm túc, có chăng kẻ đội lốt Tử Vi.
Lại cần biết.
Có những cái cho đáng ngưỡng mộ và những cái cho không đáng ngưỡng mộ. Nên không phải HOA CÁI nào cũng đáng tốt cả. Trước mắt, ta có HOA CÁI có PHƯỢNG CÁC và HOA CÁI không có PHƯỢNG CÁC. Không phải vô cớ người ta xếp HOA CÁI PHƯỢNG CÁC nằm trong bộ Tứ Linh. Vì cái anh cho rất đáng ngưỡng mộ. Từ đó, ta xác nhận lại, cho vì công trạng, cho vì ơn nghĩa, cho vì thương, cho vì lòng nhân ái... Có người nhịn ăn, nhịn tiêu để cho người khác, người nhận không biết điều nghĩ họ giàu có, cứ nhè họ mà xin, vì thế có người phải giấu mặt để cho.
Nhưng có HOA CÁI chắc gì đã cho. Vì sao này lại mất tác dụng bởi THIÊN KHÔNG. Hai sao cộng lại ta lại có: Tui Không có Cái gì cả. Cho tui xin. Thế là hỏng bét sao HOA CÁI.
Cho cần đi với nhóm sao ân tình, ân nghĩa, đi với nhóm phong thưởng ân tặng. Đi với nhóm chính tinh nào ta quyết đoán được sự cho xin.
Vì ân tình mà cho, vì khen thưởng công lao mà cho, vì hoàn cảnh mà cho... Đó là những cái cho vô vụ lợi.
Có người, khi cho là cả 1 sự tính toán, là âm mưu, là trói buộc... để rồi sau đó kể lễ. Nhờ tao mà có được ngày hôm nay.
Vô tư nhận xét, kẻ cho sướng hơn kẻ nhận. Nhưng chác chắn có rất nhiều người ưa nhận hơn là cho. Bao giờ cũng có hai thái cực. Đúng thế. Bên HOA CÁI cho, tất bên ngoài là kẻ nhận. Cũng như TẤU THƯ gởi bên kia QUAN PHỦ nhận. TƯỚNG QUÂN thương yêu thì PHỤC BINH lui tới.
Có 60 tuổi là có 60 cách cho xin. Lại đi với 14 Chính tinh, các bàng tinh khác. Ta lại có vô số cách cho xin.
Cho nhau điều gian dối, mật ngọt. Cho nhau để mua chuộc.
Có những cái không thể xin cho. Như, độc lập, tự do là phải tranh đấu. Chứ ai lại đi xin cho. Đến khi có trong tay 2 chữ tự do lại không ban phát cho kẻ khác. Trò đời cứ thế xoay vần.
Cho tôi xin một cơ hội để nắm bắt. Có thật là cơ hội hay là không, biết đâu là nguy cơ chẳng phải thời cơ. Nếu là cơ hội chắc gì đã dám nắm bắt. Để rồi bỏ phí 1 cơ hội, đánh mất 1 cơ hội. Bởi thế, trong TỬ VI 2 sao Cơ hội và Nắm băt luôn luôn nhị hợp với nhau.
Hai sao này thuộc 2 nhóm sao khác nhau. Và chắc chắn là, có khi ta từ Cơ đi đến Phá. Cũng có người từ Phá qua Cơ. Đa phần nắm bắt không trúng thời cơ.. Mà cơ hội là trời cho, chứ đâu phải là người. Cơ hội của người cho thường là xoàng. Ví dụ. Em cho anh 1 cơ hội nhé. Để sau này đâm tiếc rẻ, giá như ngày ấy đừng nhận thì hay biết mấy.
Cho là từ chúng ta dùng hằng ngày, ít ra mỗi ngày nói vài lần.
Cho xin là HOA CÁI. Đằng sau chữ cho xin ẩn tàng biết bao ý nghĩa cần phải đoán ra.
Khổ sở vì cho xin năm Giáp Ngọ là tuổi Tý Ngọ, còn lôi kéo vô số người Mệnh đại hạn, tiểu hạn đóng trên trục Thìn Tuất. Để rồi chỉ thấy ồn ào vì sự cho xin.
Bài viết đánh dấu kỷ niệm một năm viết tại Blogger của Google, cũng là kỷ niệm tròn 5 năm viết blog. Thời điểm này năm ngoái chia tay với Yahoo. Thật khó quên cái thuở ban đầu ngơ ngác ấy.
Anh cho em mùa xuân, ngàn sau hoa vẫn nở, ngàn đời  người vẫn nhớ.
Đừng để hoa phai màu, thời gian không thể xoá, tình cảm của người đâu

Không có nhận xét nào: