Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2017

Nghiệp và Ách.

Nghiệp và Ách.

Tất cả các chính tinh, bàng tinh trong đó có cả sát tinh, thị phi tinh, KỴ HÌNH tinh nằm tại cung Mệnh đều là cái nghiệp. Và tất cả các sao tại Tật Ách cung đó là cái Ách. Do cái nghiệp tại Mệnh sinh ra cái Ách..

Nghiệp là gì? Khi nói nghiệp người ta thường nghĩ xấu về từ này. Nào là nghiệp chướng, nghiệp ác, khẩu nghiệp, nghiệp báo, tội nghiệp.
Tội nghiệp là từ dùng bừa bãi nhất. Ví dụ. Đứa bé bị té. Ôi ! Tội nghiệp chưa kìa.. Thật ra chẳng có gì quan trọng.
Tội nghiệp là cái nghiệp làm xấu xa gây nên tội lỗi, làm những việc sai trái, vô đạo nhưng chúng ta dùng từ tội nghiệp để mô tả người lâm vào hoàn cảnh xấu.

Nghiệp chẳng qua là việc làm không phân biệt tốt xấu. Từ nghiệp việc làm sinh ra nghề là từ Việt. Từ Hán là nghệ. Từ nghề nghiệp Việt Hán là từ vô cùng thông dụng. Thật sự là từ nghệ nghiệp nói trại thành ra nghề nghiệp.

Từ cái nghiệp thích như thế sinh ra cái nghề. Thích trồng cây sinh ra nông nghiệp, thích viết văn, ta có văn nghiệp. Thích võ, ta có võ nghiệp. Võ là 1 cái nghề, thoạt kỳ thuỷ là bảo vệ thân thể. Sau đấy truyền đạt lại cho người trở thành 1 cái nghề.
Cứ thế, có người chọn binh nghiệp, thương nghiệp... Có người thích lãnh đạo chỉ huy là thích đế nghiệp. Có người làm được nhiều việc hơn người gọi chung là làm nên sự nghiệp...
Tiểu sử của một người, bao giờ người ta thường nhắc đến cuộc đời và sự nghiệp của họ.
Đa phần là mọi người chẳng có sự nghiệp gì vẻ vang. Có thể nói vô tích sự. Thế cũng còn may thà là vô danh tiểu tốt. Còn hơn tạo ra ác nghiệp để rồi hậu quả rất đúng với từ tội nghiệp là bị bắt, bị giam, bị giết. Trông rất tội... nghiệp làm sao. Có người chưa trả hết nghiệp chướng mai danh ẩn tich nơi phương trời xa. Như thế là cái nghiệp trốn tránh trở thành cái nạn. Gọi là kiếp nạn. Có kẻ chết vẫn chưa hết nghiệp bị nguyền rủa đến ngàn đời sau. Di hoạ đến cả con cháu. Thậm chí đám hậu duệ  phai thay tên đổi họ khỏi mang tiếng xấu.

Ngoài ác nghiệp còn có khẩu nghiệp dùng miệng lưỡi hại người mà lợi mình. Vu oan giá hoạ lên đầu người khác. Hoặc phỉnh phờ, mê hoặc  người để mình thủ lợi. Khẩu nghiệp còn là kẻ phỉ báng tổ tiên, nhận giặc làm cha. Nói gì đến cha mẹ, thầy cô.
Do ác nghiệp. Trong dân thì có cường hào, ác bá, buôn gian bán lận... Trong đám quan lại thì có quan tham tàn, tham nhũng, thâm ô...  quan lại hà khắc.

Theo quan niệm Phật giáo những hành động của 1 người trong kiếp này, tức cái nghiệp mình gieo ra là số phận cho kiếp sau. Đằng sau giải thích này, không ngoài mục đích khuyên người ta hướng thiện. Ai biết ngày sau nó thế nào. Que sera, sera...

Vậy có nghiệp tốt, vô hại cũng có nghiệp xấu thường gọi là nghiệp chướng do vật dục che mờ trí óc. Gây nên ác nghiệp dễ gặp quả báo trở thành tội nghiệp.
Hầu hết các chính tinh và bàng tinh đều có nghiệp riêng. Phối hợp với nhau tạo thành cộng nghiệp. Cộng nghiệp cũng chưa thể kết luận là tốt hay xấu.
Cũng ví như giữa người với người. Ta có A với B có thể vô hại hoặc tạo nghiệp tốt. Nhưng A với C có thể tạo nên ác nghiệp.

Tuy nhiên dễ lầm lẫn giữa nghiệp và nạn.
Một người bị tai nạn chết thảm, được Phật giáo giải thích do kiếp trước làm việc ác. Kiếp trước vay, kiếp này trả. Chẳng qua là lý luận cho có vẻ xuôi tai, nhằm giải thích những con người tốt mà gặp tai nạn thảm thương. Đã là cái nạn không vay cũng trả. Ngay cả ngu dốt, đói nghèo, bệnh tật... cũng là nạn. Chứ đâu phải là thuỷ hoả đạo tặc mới là nạn.

Nếu như Phật giáo phải chờ đến kiếp sau để nhận thành quả hay hậu quả. Thực tế cho thấy quả báo có khi nhãn tiền. Khi nói quả báo nhãn tiền, người ta lại nghĩ quả báo xấu... Đó là chuyện hết sức lạ lùng  Tại sao không nghĩ quả báo tốt. Báo ân, báo hiếu, báo đền, báo đáp ân nghĩa... Có lẽ gây nhiều việc ác, nợ máu mới nghĩ đên sợ báo thù.

Có nhiều người gieo nhiều ác nghiệp nhưng đến khi chết cũng rất bình thường hoặc vẻ vang là đằng khác. Đó chẳng qua chưa đến thời điểm bị trả oán mà thôi, nhưng lại chết mất. Từ đó, cho thấy 1 số người khi chết bị lòi ra không biết bao nhiêu là cái tội. Nhờ khi sống đồng bọn bao che. Ai tố cáo, phản đối bị bịt mồm bịt miệng. Với các học viên TỬ VI ỨNG DỤNG các cụm từ phản đối là sao gì, bịt mồm bịt miệng là sao gì chắc không còn lạ. Ý người viết muốn bày tỏ là phản đối, bịt mồm bịt miệng cũng là 1 cái nghiệp.

Quan trọng của vấn đề là anh phản đối đúng hay sai. Còn việc thành bai đó là số phận. Có nhiều học viên ngây thơ nghĩ rằng; đúng là phải thành. Quá sướng, cuộc đời đâu có êm đềm như thế. Trong khi số phận cho đáp số là không.

TỬ VI cho thấy Mệnh là cái nghiệp và Ách chính là  nghiệp chướng từ Mệnh mà ra.
Ta bắt đầu ví dụ từ ngôi sao TỬ VI. Một ngôi sao chủ sự gánh vác. Từ gánh vác chuyển qua trách nhiệm,  làm nên sự nghiệp lớn nhỏ. Để thành công, nó phải kín đáo, bí mật... để thành công buộc phải làm, tức hoạt động hay hành động tuỳ trường hợp mà dùng từ. Chng lẽ ngồi đó mơ màng, suy nghĩ tự nhiên thành công. Làm chưa chắc đã thành. Cần biết không phải ngôi sao TỬ VI nào cũng tốt. Hành vi, vi phạm chính là ngôi sao TỬ VI. Hành động kiểu gì không biết, người chết, kẻ bị thương... số còn lại la làng. Rõ ràng hành động chưa đúng, hoặc thiếu trách nhiệm, yếu kém mới ra nông nổi như thế.

Và Ách cung của TỬ VI là ngôi sao THIÊN ĐỒNG. Khi làm việc anh phải thông đồng. Cũng cần mở ngoặc  từ này. Thông đồng là 2 cái bụng thông cảm lẫn nhau thế thôi. Vô hại, ta có thông gia, thông giao... đến thông thương. Xấu là, thông gian, thông dâm...  Ngày xưa thông gian với nước ngoài là tội nặng nhất.
Tất cả đều có thể xảy ra, vì thế cần luận đoán. Khi làm việc đa phần không thể làm 1 mình ắt có nhiều người. Tránh sao khỏi có kẻ không cùng chung thuỷ chưa nói đến phản bội. Những cái đó ta gọi là cái ách.

Nếu TỬ VI tạo nên ác nghiệp, nghiệp chướng dễ nhận hậu quả phản bội, hoặc bị kết tội, thông gian. Đó là quả báo có thể thấy được hoặc chưa thấy mà đã chết rồi, do nạn. Còn nếu bị phản bội đó là cái ách. Cũng có thể là quả báo do mình gây nên. Tại vì TỬ VI sinh nghiệp chướng. Bằng không  THIÊN ĐỒNG là ngôi sao thông cảm.

Người viết, muốn bày tỏ rằng. Mọi việc trên đời đa phần đều do con người gây ra cả. Việc thiên tai là cái nạn nghe cũng ghê gớm. Có những vụ hằng trăm ngàn người chết, thỉnh thoảng mới xảy ra. Trong đó, có cả con người góp tay, tiếp tay. Nhưng còn thua xa lắc những tai hoạ do chính con người gây ra là chiến tranh, hằng chục triệu người chết. Hằng trăm triệu người đau thương mất nhà, mất người thân. Hằng thế kỷ hận thù không thể nào quên.

Hăng ngày khắp nơi trên thế giới không biết bao người là nạn nhân của  ác nghiệp. Từ cướp, giết, hiếp  đến hành hạ, hà hiếp, áp bức đến dùng khẩu nghiệp vu oán giá hoạ cho người. Kẻ ác thì không nhiều nhưng nạn nhân của nó nhiều vô số kể.

Tử Vi phân định rõ ràng Nghiệp và Ách khác nhau. Xen kẻ 2 từ này là từ Kiếp Nạn. Có được người đời phong thánh cũng không thể nhìn thấy kiếp trước, kiếp sau. Đừng có tào lao tin bây. Căng mắt ra nhìn kiếp này đoán cho trúng. Kiếp này không thấy lại thấy kiếp trước, kiếp sau.  Nếu không biết đoán, lấy thành ngữ “Gieo gió gặp bão” làm lẽ sống. Không gieo mà gặp, đó là nạn.

Đừng chăm lo sự nghiệp quá, mà không đẻ ý đến cung Tật của mình. Vì nó đã biến thành tật rồi anh à. Hay nhỉ, chả trách người xưa gọi là Tật Ách.

Để kết thúc mượn lời Nguyễn Du.
“Đã mang lấy nghiệp vào thân.
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”.


Viết cũng là cái nghiệp. Ách của nó, một là LỘC TỒN, hai PHỤC BINH. Nói ngắn gọn 1 tồn, hai phục. Xin tỉnh táo để đọc, chứ đừng mê ngủ. Nghe tồn đừng tưởng rằng; tồn tại đến muôn đời sau. Nghe phục bị trả thù đây rồi. Sao không nghĩ; tồn tại bất mãn đến muôn đời sau. Sao không nghĩ ; người đời mến phục. Có thế mới gọi là luận đoán. Bằng không là võ đoán. Chưa kể còn đoán ngược, lại nói, đem phấn son tô điểm lên mặt thì được đừng đem phấn son tô điểm lá số. Không thể sửa đổi được số phận. Có chăng thay đổi tính cách. Có chăng số phận theo đó mà đổi thay.